Nhãn hiệu là một trong những yếu tố quan trọng của các doanh nghiệp hiện nay khi định đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. Nhãn hiệu xuất hiện lần đầu tiên trong Hiệp định TRIPS hiệp định về sở hữu trí tuệ, thương mại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: “Bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp khác đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp các màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó, phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa…” Có thể thấy, khái niệm về nhãn hiệu được đưa ra khá rộng, không hạn chế những đối tượng có thể sử dụng để làm nhãn hiệu như các đối tượng mới gồm âm thanh, mùi vị… Theo luật Việt Nam, nhãn hiệu được định nghĩa đơn giản là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Thực tại thì việc xâm phạm nhãn hiệu tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung là 1 vấn đề mà các cơ quan chức năng vẫn phải rất nổ lực để xử lý nhưng vẫn còn xảy ra rất nhiều, chính vì thế mình phải tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu của mình.
Nhãn hiệu cũng có rất nhiều loại, chính vì vậy bạn cần phải xác định nhãn hiệu của mình thuộc loại nào để từ đó tiến hành làm thủ tục đăng ký được chính xác nhất. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ nêu chi tiết về các loại nhãn hiệu hiện có và đặc điểm của nhãn hiệu
1. Phân loại nhãn hiệu
Ở Việt Nam hiện nay, ngoài Nhãn hiệu thông thường cho phép xác định nguồn gốc sản xuất hoặc nguồn gốc thương mại của hàng hóa/dịch vụ, pháp luật còn bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận và Nhãn hiệu liên kết.
– Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải thành viên của tổ chức đó.
+ Nhãn hiệu tập thể thường thuộc về sở hữu của một hiệp hội hoặc hợp tác xã mà các thành viên có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể để quảng bá các sản phẩm của mình.
+ Nhãn hiệu tập thể có thể xem như một hình thức liên kết hiệu quả trong việc tiếp thị sản phẩm, dịch vụ của một nhóm doanh nghiệp.
– Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
+ Có thể hiểu nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu do các tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ đăng ký, sau đó cấp nhãn hiệu này cho các tổ chức, cá nhân thỏa mãn các điều kiện nhất định để sử dụng chung
– Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
+ Nhãn hiệu liên kết có các đặc điểm sau:
- Cùng chủ sở hữu
- Tương tự nhau về nhãn hiệu và nhóm hàng hóa, dịch vụ
- Liên quan tới nhau về mẫu nhãn hiệu và nhóm ngành sản phẩm, dịch vụ cung cấp.
+ Các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký nhãn hiệu liên kết nhằm ngăn chặn bên thứ ba đăng ký những nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ.
2. Đặc điểm của nhãn hiệu
– Nhãn hiệu là các dấu hiệu nhìn thấy được, có thể là các từ ngữ, con số, hình ảnh, tượng hình…hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
– Nhãn hiệu được bảo hộ khi :
+ Có khả năng phân biệt: Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ không gây trùng hoặc gây nhầm lẫn
+ Không lừa dối người tiêu dùng
+ Không có khả năng xung đột với các nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước đó