Vốn điều lệ là một trong những yếu tố quan trọng mà chủ doanh nghiệp cần quan tâm khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào những vấn đề pháp lý có liên quan đến vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Vốn điều lệ là gì?
Khái niệm vốn điều lệ được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên, chủ sở hữu công ty TNHH, công ty hợp danh đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đăng đăng ký mua khi công ty cổ phần được thành lập.
Vốn điều lệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi xác định tỷ lệ vốn góp của các thành viên, chủ sở hữu, cổ đông trong công ty. Đây còn là căn cứ để phân chia lợi nhuận cũng như xác định quyền và nghĩa vụ của các thành viên tham gia góp vốn. Ngoài ra, đối tác cũng có thể căn cứ vào vốn điều lệ để quyết định có hợp tác hay không. Vì số vốn lớn hay nhỏ sẽ thể hiện quy mô, năng lực và vị trí của công ty trên thị trường.
Phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định
Vốn điều lệ và vốn pháp định về cơ bản đều là số vốn ban đầu do các nhà đầu tư cùng góp vào để thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên, giữa hai loại vốn này cũng tồn tại vài điểm khác biệt sau:
Vốn điều lệ | Vốn pháp định | |
Cơ sở xác định | Vốn điều lệ là loại vốn bắt buộc phải có khi đăng ký thành lập công ty.Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ nhưng không được giảm vốn điều lệ xuống thấp hơn vốn pháp định. | Vốn pháp định sẽ được xác định dựa vào ngành nghề kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp mà không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp.Công ty dự định kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì vốn góp phải tối thiểu bằng vốn pháp định. |
Mức vốn | Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi thành lập doanh nghiệp. | Ngành nghề kinh doanh nào yêu cầu vốn pháp định thì mức vốn đó là cố định.Ví dụ: Kinh doanh bất động sản có vốn pháp định là 6 tỷ. |
Thời hạn góp vốn | Thực hiện góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. | Góp đủ vốn từ khi bắt đầu kinh doanh ngành nghề có điều kiện. |
Có cần chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp không?
Hiện nay, pháp luật hiện hành không có quy định về nghĩa vụ chứng minh vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Theo đó, vốn điều lệ sẽ do doanh nghiệp tự đăng ký và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung được kê khai.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định thì vốn điều lệ không được phép thấp hơn vốn pháp định. Trường hợp yêu cầu vốn ký quỹ thì doanh nghiệp sẽ phải chứng minh.
Vốn điều lệ bao nhiêu là đủ?
Luật Doanh nghiệp hiện hành không có quy định về mức vốn điều lệ cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp hay từng ngành nghề kinh doanh. Chủ doanh nghiệp sẽ căn cứ vào khả năng cũng như mục tiêu kinh doanh để có cách tính chính xác mức vốn điều lệ phù hợp. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ xem xét các yếu tố sau để xác định mức vốn điều lệ:
- Phạm vi, quy mô hoạt động của doanh nghiệp;
- Khả năng tài chính của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty;
- Chi phí hoạt động thực tế của doanh nghiệp sau khi thành lập;
- Dự án kinh doanh ký kết với đối tác…
Vốn điều lệ tối thiểu
Pháp luật không có quy định về giới hạn vốn điều lệ. Do vậy, trừ trường hợp doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề có quy định về mức vốn pháp định và mức ký quỹ thì sẽ không có giới hạn về vốn điều lệ tối thiểu, doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn mức vốn.
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có quy định về vốn pháp định và mức ký quỹ thì có thể tính vốn điều lệ tối thiểu phải = vốn pháp định hay ký quỹ.
Vốn điều lệ tối đa
Như đã đề cập ở trên, pháp luật không có quy định về giới hạn vốn điều lệ nên doanh nghiệp có thể tự quyết định mức vốn.
Góp vốn điều lệ bằng những loại tài sản nào?
Theo quy định tại điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Tức là nhà đầu tư có thể góp vốn bằng bất động sản, tiền mặt, ô tô, quyền sử dụng mặt bằng… miễn là có văn bản thỏa thuận đồng ý về giá trị tài sản của tất cả các thành viên góp vốn.
Một lưu ý là chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với các loại tài sản kể trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.
Thêm vào đó, theo quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty:
- Tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất: Phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho công ty.
- Tài sản không đăng ký quyền sở hữu: Phải giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
Thời hạn góp vốn điều lệ
Thời hạn góp vốn của công ty TNHH 1 thành viên
Theo khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên phải góp đầy đủ và đúng loại tài sản đã cam kết trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong 90 ngày này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Nếu không góp đủ số vốn đã cam kết trong thời hạn 90 ngày nói trên, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Chủ sở hữu vẫn chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn thay đổi vốn điều lệ, tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Thời hạn góp vốn của công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên
Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 thành viên phải góp đủ và đúng loại tài sản đã cam kết trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với số vốn đã cam kết góp. Nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại thì thành viên góp vốn được góp loại tài sản khác với tài sản đã cam kết.
Công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng của thời hạn góp vốn nếu các thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết.
Thời hạn góp vốn của công ty cổ phần
Thời hạn góp vốn của công ty cổ phần được quy định tại Khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ động thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
Theo đó, thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty cổ phần là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, các cổ đông phải thanh toán đầy đủ số cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập công ty cổ phần.
Công ty cổ phần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã thanh toán trong thời hạn 30 ngày nếu hết thời hạn 90 ngày mà các cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký thì
Thời hạn góp vốn của công ty hợp danh
Thời hạn góp vốn vào công ty hợp danh không được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020. Thay vào đó, khoản 1 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ quy định: Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Như vậy, thời hạn góp vốn điều lệ của các thành viên phải được đảm bảo thực hiện đúng như thời hạn đã cam kết.
Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết mà gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Nếu thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ sẽ bị coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty
Thời hạn góp vốn của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ không cần chuyển quyền sở hữu vốn góp cho doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ do chủ doanh nghiệp tự thực hiện việc đăng ký. Toàn bộ vốn và tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Trường hợp thành viên, cổ đông không góp đủ vốn thì xử lý như thế nào?
Đối với công ty TNHH 1 thành viên
Căn cứ khoản 3 Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trường hợp chủ sở hữu công ty không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định thì phải giảm vốn điều lệ trong thời hạn 30 ngày. Trong thời gian 30 ngày này, chủ sở hữu công ty vẫn phải chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ tài chính phát sinh tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này.
Đối với công ty TNHH từ 2 thành viên
Căn cứ khoản 3 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020, nếu thành viên công ty không góp hoặc có nhưng chưa đủ phần vốn góp đã cam kết thì sẽ xử lý như sau:
- Thành viên không góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty.
- Thành viên chưa góp đủ phần vốn đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp.
- Phần vốn chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên công ty TNHH 02 thành viên trở lên.
Đối với công ty cổ phần
Theo khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì giải quyết như sau:
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty, đồng thời không được chuyển nhượng quyền mua cho người khác.
- Cổ đông mới thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
- Cổ phần chưa thanh toán bị coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
Đối với công ty hợp danh
Căn cứ Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2022, thành viên hợp danh và thành viên góp vốn đều phải góp đủ số vốn đã cam kết góp.
Thành viên hợp danh nếu không góp đủ và đúng hạn mà gây thiệt hại cho công ty thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Còn thành viên góp vốn nếu không góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty.
Xem thêm: Dịch vụ Thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của công ty luật siglaw.
Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên
Công ty TNHH MTV tăng vốn điều lệ khi chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
Công ty TNHH MTV giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
- Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
- Tăng vốn góp của thành viên;
- Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
- Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
- Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cổ phần. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các cách sau đây:
- Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
- Chào bán cổ phần riêng lẻ;
- Chào bán cổ phần ra công chúng.
Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
- Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
- Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật Doanh nghiệp 2020;
- Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh
Vốn điều lệ của công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty hợp danh.
Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn.
Công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
Xem thêm: Tư vấn pháp luật thường xuyên của công ty luật siglaw.